Thời gian là một khái niệm, một thuộc tính của vận động dùng để diễn tả trình tự các sự kiện diễn ra gắn với một địa điểm, một thời gian cụ thể. Nếu thời gian được hiểu như vậy thì khi chúng ta tới quan chiêm, hành hương Thánh tích đẹp nhất Việt Nam trong hai mươi năm qua chắc hẳn sẽ cảm niệm được những cảnh sắc hiện hữu được tô bồi phong quang tú lệ tại miền đất Phật linh sơn. Thắng cảnh ấy, ngoài lẽ được bà mẹ thiên nhiên ban tặng còn có sự di dưỡng, tô điểm của bàn tay con người. Đặc biệt, đó là những người con được Phật – Tổ bổ xứ trao cho trọng trách là chủ thể sáng tạo, di dưỡng để chốn Tổ đình ngày càng xương minh đỉnh thịnh.
Bút giả là người có túc duyên được lân mẫn Thượng tọa Thích Minh Hiền, Hương Sơn động chủ đời thứ XII. Thượng tọa một người tinh trì nghiêm luật, trí tuệ quảng bác và là Pháp tử kế đăng truyền thừa của cố Hòa thượng Thích Viên Thành, luôn ước nguyện tiếp tục khêu ngọn tuệ đăng chốn Tổ do Tôn sư đã dành tâm huyết trọn đời hành trì, dày công vun đắp chốn cổ tích chùa Hương.
- Chùa Hương một tuyệt phẩm do mẹ thiên nhiên ban tặng
Quần thể thắng tích chùa Hương nằm ở toạ độ địa lý 20034’-20039’ vĩ độ bắc, 105041’-105049’ kinh độ Đông. Đây là hệ thống núi đá vôi nằm kề châu thổ sông Hồng có tuổi địa chất khoảng 220-250 triệu năm với hệ thống núi đá thấp chỉ có đỉnh Bà Lồ cao nhất trong vùng với độ cao 397m, còn lại là 200m trở xuống.
Do biên độ chia cắt sâu khá lớn nên đã tạo cho du khách đến đây có ấn tượng của một núi non hùng vĩ. Quần thể thắng tích là một phức hệ các danh lam thắng tích rộng lớn, nằm rải rác ở dãy núi đá vôi Hương Sơn và các địa bàn vùng đệm xung quanh dãy núi Hương Sơn và ven sông Đáy. Các chùa, động chùa phần lớn được xây dựng và phát triển từ thế kỷ XV, XVIII, XIX và gần đây là cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.
Theo Tự phả Hương Sơn thì vào thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (1460-1469), có ba vị Hoà thượng đã tìm thấy động Hương Tích và dựng lên Thảo Am ở Thiên Trù. Kể từ đó, động Hương Tích được gọi là chùa Trong, chùa Thiên Trù được được gọi là chùa Ngoài, rồi mọi người lấy tên chung là khu vực chùa Hương, hay “Hương-Thiên Bảo Sái”. Năm Quang Thuận thứ 08 (1467), vua Lê Thánh Tông tuần thú phương Nam lần 2 đã đóng quân ở thong Phụ Mã – Thiên Trù.
Theo KTS.Nguyễn Bá Lăng trong “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam” (Quyển III, Paris-2021) thì chùa Hương gồm “chùa Thiên Trù (chùa Ngoài), động Hương Tích (chùa Trong) và rải rác vài ngôi chùa nhỏ nữa. Tất cả nằm trong dãy đá vôi ngăn cách giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình.
Cổ thời đây là chốn hoang vu rừng rậm. Vào năm Gia Thái nhà Lê (1575) mới có một nhà sư đi men theo dòng suối đi sâu vào núi rừng khám phá ra một động núi đá nguy nga ở trên một đỉnh non cao. Nhà sư liền dựng một am cỏ tranh làm chỗ tụng kinh, niệm Phật ở nơi chùa Ngoài, chính là chùa Thiên Trù ngày nay. Chốn am thanh cảnh vắng này dần dần được nhiều người biết đến. Chốn Sơn môn này không ngớt nổi tiếng từ khi được chính quyền đương thời công nhận nhân một cuộc tu sửa và làm đẹp năm thứ 07 Chính Hòa (1686) do hai bà phi chúa Trịnh Cán tên là Đào Thị Cư, Đào Thị Căn chủ trương.
Năm Chính Hoà thứ 07 (1686), Hoà thượng Trần Đạo Viện Quang được nhà Chúa đương thời trợ duyên cho công việc kiến thiết “Nội tu Hương Tích bảo động, ngoại khai Phật cảnh Thiên Trù” làm nơi quy ngưỡng cho thiện tín muôn phương nhân nhân chiêm bái.
Tiếp đến năm 1770, Tĩnh đô vương Trịnh Sâm vãng cảnh nơi đây và định danh là “Nam Thiên đệ nhất động”, lưu một số văn thơ và bi ký. Rồi kể từ đó, “Tổ ấn trùng quang, đèn thuyền truyền nối cho đến đầu thế kỷ XX, Thiên Trù đã trở thành lâu đài tráng lệ “Biệt chiếm nhất Nam thiên”.
Chùa có trên một trăm nóc với những công trình kiến trúc quy mô tinh xảo bậc nhất thời bấy giờ. Vào các năm 1947-1948 và 1950, thực dân Pháp đã ném bom tàn phá toàn bộ khu vực này, khiến cho “Cao chất ngất một toà cổ sái” không còn nữa, chỉ còn lại vườn tháp Viên Công thế kỷ XVII, tháp Thiên Thuỷ và một quả chuông đồng thời Tây Sơn.
- Trùng hưng Tổ đạo
Sau sự kiện thực dân Pháp ném bom tàn phá quần thể thắng tích chùa Hương, cảnh trí khu vực này trở lên hoang vắng u tịch. Năm 1956, Tổ Đệ cửu giao cho Hòa thượng Thích Thanh Chân trông nom Phật cảnh trên đống tro tàn đổ nát và trụ trì chùa Hương đời thứ X cho đến khi viên tịch.
Tình hình trong nước thời kỳ này còn vô vàn khó khăn, chiến tranh địch hoạ, miếng cơm manh áo của đời sống nhân sinh là nỗi ưu tư của cả dân tộc. Thuận duyên thì nhiều nhưng nghịch duyên cũng chẳng ít song Hòa thượng vẫn một lòng kiên tâm bền trí đèn hương phụng sự Tam bảo, vạch ý tưởng trùng hưng Tổ đạo trong tương lai, tìm phương thức từng bước phục hồi, tôn tạo quần thể khu thắng tích đã bị tàn phá.
Với giới đức trang nghiêm và hạnh nguyện từ bi vô ngại, Thượng tọa Thích Viên Thành đã được Sư Tổ Thích Thanh Chân tin tưởng trao truyền ngôi vị kế đăng trụ trì đời thứ XI Tùng lâm Hương Tích vào tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (1989).
Ngày 04 tháng 03 năm 1989, Ban xây dựng – tôn tạo và phục chế chùa Hương được thành lập do cố Hòa thượng Thích Viên Thành làm Trưởng ban để thực hiện công việc quy hoạch và tái thiết danh lam Thánh tích do các Tổ truyền trao.
Ngày ấy, giai đoạn đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, người người phải thắt lưng buộc bụng, Thánh cảnh điêu tàn không còn nếp cũ, một mình Hòa thượng nương bóng Đại sỹ giữa sơn lâm, tổ chức kế hoạch tái thiết với bao công việc bộn bề. Trên nền ngôi Tam bảo cũ còn nhiều lau sậy, Hòa thượng đã cùng với các cơ quan hữu quan, Phật tử và nhân dân địa phương làm lễ động thổ hưng công trùng tu Phật điện Tam bảo, xây dựng Bảo sở làm nơi quy ngưỡng cho Tăng chúng và thiện tín muôn phương.
Bất biến tuỳ duyên, thập thế thăng trầm huýnh khởi
Tuỳ duyên bất biến, nhất tâm thể dụng vô thù.
Ngôi chính điện Thiên Trù, Tổ đường và điện Hương Thuỷ, cổng Nam Thiên Môn, bái đường chùa Tiên Sơn đã được trùng hưng, sừng sững giữa đất trời Hương-Thiên. Chỉ hơn mười năm, quần thể thắng tích Chùa Hương dần dà trở lại trang nghiêm u tịch.
Năm 1992 Hòa thượng viếng thăm Vương quốc Bhutan hạnh ngộ diện kiến đức Pháp chủ H.H Je Khenpo đời thứ 68-Ngawang Tenzin Deondrup Rinpoche- và thụ pháp Quán đỉnh cốt tủy của dòng truyền thừa Drukpa Kargyu từ bậc Thầy của mình để hướng dẫn các đệ tử và Phật tử thực hành giáo pháp chân truyền của Kim Cương thừa Mật giáo (Vajrayana Buddhism), những mong thắp sáng truyền thống Mật giáo vốn đã từng được truyền vào Việt Nam cách đây hơn 1.000 năm. Ngay sau khi về nước, Hòa thượng đã tập thành bộ “Nghi quỹ tu trì Mật giáo” có sự chắt lọc để phù hợp với truyền thống Phật giáo Việt Nam, đặc biệt có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Mật giáo Tạng truyền và Đông mật trong nước. Sau thời gian hành trì miên mật cùng sự tham vấn từ các Thượng sư Bhutan, cố Hòa thượng đã bắt đầu truyền thụ quán đỉnh cho các đệ tử và xiển dương Kim Cương thừa Drukpa Kargyu tại Việt Nam.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên, Mật tông Phật giáo Việt Nam (Vietnames Tantra Buddhism) cuối Thế kỷ XX tiếp nối sự truyền thừa chính thống từ những bậc Thượng sư và kinh điển Phạn ngữ. Cũng từ đây, nhịp cầu Bát nhã nối giữa Phật giáo Bhutan và Việt Nam được hình thành và ngày càng phát triển. Với hạnh nguyện to lớn và lòng bi mẫn, Hòa thượng đã hồi sinh truyền thừa Mật giáo cũng như đem lại lợi ích và an lạc cho mọi người.
Với sở học uyên thâm, giới đức trang nghiêm, từ bi vô lượng. Những tưởng Hòa thượng còn trụ thế lâu hơn nữa để dẫn dắt môn đồ pháp quyến trên con đường tìm về Bến giác. Hòa thượng đã thuận lẽ vô thường trả lại tấm thân cho thế giới ảo mộng để trở về cõi vô tung bất diệt vào tháng Tư năm Nhâm Ngọ (2002).
- Chùa Hương Thầy điểm lại trò tô
Ngay sau ngày Tôn sư viên tịch, kế tục Đạo nghiệp của Tôn sư giao phó, Thượng tọa Thích Minh Hiền kế đăng trụ trì quần thể thắng tích Chùa Hương năm 43 tuổi. Vốn là người tịnh tín có chí cầu học, được Hòa thượng Tôn sư cho sam học tại Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Phật học Khoá II (1988-1992), đầu năm 1993 Thượng tọa trở lại chốn Tổ, phụng sự Tam Bảo và bắt đầu hoằng dương Phật pháp, đem ánh sáng từ bi và trí tuệ của đức Phật phổ bác tới mọi người và coi đó là việc báo đáp thâm ân Phật – Tổ và Nghiệp sư.
Sau khi Tôn sư quẩy dép về Tây ngày 20 tháng 4 năm Nhâm Ngọ (2002), Thượng tọa đã cùng hàng pháp tử huynh đệ trong Sơn môn từng bước trùng tu, tôn tạo các hạng mục trong quần thể thắng tích chùa Hương do Tôn sư thực hiện còn dang dở.
Ngày 30 tháng 10 năm 2002 (tháng 9 năm Nhâm Ngọ) thạch tháp Chân -Tịnh được khởi công xây dựng. Đây là một công trình báo ân Tôn sư đối với bậc Đại sỹ. Vườn tháp Chân Tịnh được bố cục theo kiểu chữ phẩm, hai tháp Cửu phẩm, hương án, lancan, trụ cổng đều được làm bằng đá xanh chạm nổi motifs hoa văn Mật giáo .
Sau án thờ là tháp nổi lên cao vút ba tầng (cao 9200mm): Tầng đế, tầng thờ và tầng đỉnh tháp. Tầng đế (vuông 4200x4200mm) được lắp đặt bằng những phiến đá lớn, bốn mặt đều chạm nổi hoa văn Kim Cương chử. Tầng thờ là nơi đặt bài vị của cố Hòa thượng Thích Viên Thành, bên ngoài khắc câu đối:
Thành đại nguyện tướng ưng Tam mật
Viên quang tâm chân tính Nhị đề
Tô điểm xung quanh tầng tháp này là hoa văn bát cát tường được các nghệ nhân Phật tử Hoa Lư – Ninh Bình (Thiện thủ cư sỹ Quảng Thiện – Nguyễn Văn Quân) đương thời chạm trổ rất chi tiết sống động. Tầng trên cùng là đỉnh tháp mang biểu tượng Ngũ đại duyên khởi của Mật giáo. Mái tháp tuân thủ theo kiến trúc Phật giáo kiểu mật thiềm. Đó là loại mái vừa phải để tạo được nét cong hợp lý và tạo độ cao vút cho tổng thể công trình. Bao quanh vườn tháp là lancan cũng được làm bằng đá xanh. Có thể nói, đây là toà tháp duy nhất trong hệ thống tháp ở vùng này được làm bằng đá từ xưa đến nay.
Những năm sau này, Thượng tọa cùng chư Tăng, Phật tử Ban xây dựng chùa Hương trùng tu xây dựng các công trình như: Kiến thiết tôn tạo Quán Âm kiều lộ năm Giáp Thân (2004) trước cửa động Hương Tích. Mở rộng đường Triều Sơn lộ năm Bính Tuất (2006) từ bến Trò lên Tam bảo chùa Thiên Trù. Xây dựng hai dãy tả – hữu vu và lầu Tứ Thiên Vương năm Mậu Tý (2008) trên nền đất cũ từ thời Tổ đệ cửu và Hương Nghiêm Pháp đường khởi công năm Tân Mão (2011) đến năm Giáp Ngọ (2014) thì hoàn thành, làm nơi thuyết pháp giảng dạy cho Phật tử thiện tín thập phương.
Năm Bính Thân (2016), Thượng tọa tiếp tục trùng tu Chung lâu và toàn bộ lancan đá quanh nội tự. Năm 2017 Thượng toạ đã biên soạn tập thành xong bộ Nghi quỹ Drukpa Kargyu Việt Nam sau gần 05 năm thực hiện.
Đây là các công trình kiến trúc mỹ thuật Phật giáo do Thượng tọa Minh Hiền chủ trì nhằm kế thừa mạng mạch sơn môn, kiện toàn Phật cảnh của đức Quán Âm đại sỹ, vừa để báo đáp, tô bồi và tiếp nối công việc của Tôn sư những mong Thánh tích ngày càng trang nghiêm tú lệ.
Ngày 19 tháng 09 năm 2018 Thượng toạ trụ trì cùng với Lãnh đạo huyện Mỹ đức tổ chức thành công Lễ đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng chính phủ. Một sự kiện hy hữu nhất từ trước đến nay tại Hương Sơn, thủ đô Hà Nội.
Chỉ trong 20 năm đầu Tk.XXI (7.300 ngày) các tự viện, cổ động, san lộ, thuỷ lộ trong quần thể được trùng tu tôn tạo xây dựng nhiều nhất, bền chắc nhất, cái mới đan xen hoà quyện với cái cũ tạo nên sự hoạt dụng hài hoà hiếm thấy thời hiện đại.
Điều đáng nói và cần phải nói là sự trác tuyệt của bậc trí giả nằm ở chỗ hiểu và xác định được vị trí địa văn hóa cốt yếu của những công trình kiến trúc Phật giáo, sử dụng vật liệu kết cấu đương đại nhưng vẫn kế thừa được tính truyền thống một cách nhuần nhuyễn, tài tình. Ngoài việc tinh thông về kiến trúc nghệ thuật Phật giáo, Thượng tọa còn hiểu biết rất sâu sắc về kỹ, mỹ thuật và phương pháp phân trùng để cho các công trình mang đậm tính văn hóa Phật giáo. Trên mặt bằng tổng thể, Thượng tọa đã điểm xuyết được các điểm nhấn tại những nơi quy ngưỡng, tạo sự phá cách bởi các tác phẩm mỹ thuật, thư pháp văn tự ở mỗi công trình, đạt đến độ tinh xảo.
Ngoài việc tô bồi quần thể danh lam thắng tích Chùa Hương, Thượng tọa trụ trì còn hưng công kiến thiết ngôi Già lam Diên Khánh (năm Bính Tuất-2006) tại phố Văn Giang, thị trấn Đại Nghĩa làm Trụ sở Ban trị sự Phật giáo huyện Mỹ Đức. Ngôi đại Già lam này là một tuyệt phẩm về kiến trúc, đúng như lời Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đã viết :
“Tôi đã có một buổi chiều đông tràn đầy hạnh phúc khi được đến thăm và được Thầy-Thượng toạ Minh Hiền-hướng dẫn, thưởng lãm, cảm nhận những giá trị tuyệt vời của ngôi đại Già lam Diên Khánh. Đã có một tư tưởng cao siêu, uyên áo, làm nền cho một thiết kế độc đáo, toàn vẹn để liền đó thi công với kỹ thuật rất cao đặng mà tạo lên kiến trúc Phật giáo này – một kiến trúc chuẩn đến từng milimet. Phần trang trí bày biện nội tự vừa sang trọng, sáng giá và đắt giá, vừa tinh tế, trang nhã với rất nhiều cổ vật và hiện vật quý hiếm, được sưu tầm cẩn trọng, công phu. Tất cả làm lên một tổng thể những giá trị hài hòa, nhất quán, vừa nổi bật tính thẩm mỹ, vừa ngời sáng sự uy nghiêm và linh thiêng khiến người ta không thể không xúc động và thán phục”.
Ngày lại ngày nối tiếp qua đi, tóc mai vị Sơn Tăng giờ đã điểm bạc. Mang trên mình mầu áo sơn khê thủa nào, Thượng tọa vẫn thong dong tay gậy trúc, chân dạo gót thảo hài, mượn nước Yến khê để hàn mặc thư hương, tiếp tục sứ mệnh kế vãng khai lai để ngọn tuệ đăng của chư Tổ chốn mai lâm cổ tích mãi mãi toả sáng giữa núi rừng Hương lĩnh ngút ngàn mây nước.
Hà thành, Xuân Nhâm Dần – năm 2022
Phật tử Kiến Văn