SƠN MÔN

LỊCH SỬ TRUYỀN THỪA

TÌM HIỂU THÊM

DÒNG TRUYỀN THỪA

Drukpa Kagyud
Việt Nam

tìm hiểu thêm

Năm 1992 Cố HT. Thích Viên Thành viện chủ chùa Hương và chùa Thầy với hạnh nguyện xiển dương Mật giáo. Ngài đã sang Bhutan học pháp và được truyền thụ quán đỉnh trực tiếp từ đức Pháp chủ Je Khenpo đời thứ 68 dòng Drukpa Kagyud. Ngay khi về nước Ngài đã hệ thống những tài liệu được truyền dạy thành bộ “Nghi quỹ tu trì mật giáo”, có sự chắt lọc để phù hợp với truyền thống Phật giáo Việt Nam đặc biệt là sự kết hợp tài tình giữa Mật giáo Tạng truyền và Đông mật trong nước. Sau thời gian hành trì miên mật cùng sự tham vấn từ những bậc thượng sư tại Bhutan, cố Hoà thượng đã bắt đầu truyền thụ quán đỉnh cho các đệ tử và xiển dương Kim Cương Thừa tại Việt Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên Mật tông tại Việt Nam thời cận đại tiếp nối sự truyền thừa chính thống từ những bậc Thượng sư và Kinh điển Phạn ngữ, cũng từ đây cây cầu nối giữa Phật giáo Bhutan và Việt Nam được hình thành và ngày càng phát triển. Với hạnh nguyện to lớn và lòng bi mẫn Hoà thượng đã hồi sinh truyền thừa Mật tông cũng như đem lại lợi ích, an lạc cho nhiều người.

Tháng 4 âm lịch, năm Nhâm ngọ (2002), Khi hạnh nguyện còn đầy dang dở, Hoà Thượng đã quẩy dép về Tây, đây là sự mất mát to lớn của Phật giáo nước nhà. Tiếp nối hạnh nguyện của người Thầy đáng kính, Thượng toạ Thích Minh Hiền, người kế đăng tục diêm nơi đạo tràng Quán Thế Âm tiếp tục nhịp cầu kết nối giữa Phật giáo Bhutan và Việt Nam. Thượng toạ đã có nhiều chuyến đi Bhutan cầu pháp và nhận truyền thụ Quán đỉnh từ Đại sư Kinley Gyelshen một vị thầy đáng kính, một hiện thân của Bồ tát Quán Thế Âm. Sự kết nối và phát triển của dòng truyền thừa Drukpa Kagyud ngày càng có nhiều thành tựu, Đại sư Kinley Gyelshen cùng các đệ tử xuất sắc nhất Phật giáo Bhutan đã dành nhiều chuyến đi tới Việt Nam để tìm hiểu về văn hoá, tăng cường kết nối, xiển dương dòng truyền thừa…

Đọc thêm

DIÊN KHÁNH GIÀ LAM HƯNG CÔNG BI KÝ

Hà Tây vốn là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, núi ôm sông bọc, danh lam cổ tích nhiều không xiết kể. Làng nào cũng có chùa , cổ làng có đến hàng chục ngôi chùa. Xem thế đủ biết Phật giáo đã sâu rễ bền gốc và có sức sống mãnh liệt đến nhường nào tại mảnh đất địa linh nhân kiệt này . Mỹ Đức quê ta với quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn – Đạo tràng của Quan Âm Bồ tát tu hành và đắc Đạo đã trở thành nơi quy ngưỡng của hàng triệu triệu người. Một quần thẻ hang động tự viện đã tạo nên bề dày lịch sử văn hoá tin ngưỡng Phật giáo, thật xứng danh Nam Thiên đệ nhất Thánh tích . Những năm gần đây hàng trăm ngôi tự viện được trùng tu xây dựng quanh huyện nhà, khiến cho người người tới đây không chỉ để du sơn ngoạn thủy mà còn là sự trở về tìm lại bản tâm tự tính qua những nếp chùa trang nghiêm. 

Trong những ngôi chùa mới xây dựng không thể không nhắc đến Diên Khánh Già lam, với tên tự là Diên Khánh có ý nghĩa “sự cát tường , mừng vui lâu dài.” Chùa nằm ven bờ sông Đáy gần cầu Tế Tiêu, tiếp giáp với sân vận động thị trấn Đại Nghĩa, nơi lưu dấu ngày Bác Hồ về thăm 1961 – hiện nay là Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa vốn có từ lâu nhưng binh lửa can qua nhân tâm bất định nên chẳng còn lưu giữ chút thông tin lịch sử góc tích di vật gì, nền móng chùa cũ cũng không còn, chỉ còn duy nhất một cái giếng của làng Ngọ Xá – nay là phố Văn Giang.

Trước đây toàn bộ khuôn viên chùa được dùng làm Trường THCS của thị trấn Đại Nghĩa. Tháng 03 năm 2004, Lãnh đạo và nhân dân Phật tử thôn Văn giang cung thỉnh TT . Thích Minh Hiền về Trụ trì chùa Diên Khánh. Ngày 06 tháng 02 năm 2006 UBND tỉnh Hà Tây đã có Quyết định số 217/QĐ – UBND thu hồi đất và bàn giao mốc giới 6.900m2 cho Nhà chùa – Phật tử nhân dân Văn Giang trùng tu xây dựng chùa. Ngày 12 tháng 02 năm Bính Tuất – 2006 bắt đầu hưng công xây dựng Đại hùng bảo điện; ngày 11 tháng 10 năm Bính Tuất – 2006 làm lễ Thượng lương. Ngày 01 tháng 05 năm Nhâm Thìn – 2012 tiếp tục khởi công xây dựng Tổ đường, Như Lai đường, Trai đường, Hành lang tả hữu vu … Từ nguồn kinh phí nhỏ nhoi, Phật tử thập phương hằng tâm hằng sản; ân đức của Thầy Tổ và chư Tăng bản tự; sự trợ duyên của nhân dân địa phương và các Phật tử thuần thành, sau gần 15 năm xây dựng đến nay năm Canh Tý – 2020, công việc kiến thiết Diên Khánh Già lam về cơ bản phần nào đã được chu viên.

Ngôi Già lam được quy hoạch tổng thể theo Lục điều của thức kiến trúc Phật giáo Việt Nam (Lộ kính khai tịch – Lang vũ tu chỉnh hoàn bị – Điện đường hương đăng bất tuyệt – Thần hôn chung cổ phân minh – Nhị thời chúc phạn tinh khiết – Tăng hàng kiến nhân hữu lễ) . Với diện tích xây dựng vào khoảng 1.400m2 , mật độ xây dựng khoảng 25% , gồm 03 hạng mục chính và các công trình phụ trợ như Cổng Già lam, Hành lang tả hữu vu, Khách đường , Nhà trù , Tăng phòng, Phương trượng Thạch kinh, sân vườn v.v… được liên kết với nhau bởi hồi lang chạy vòng quanh.

Trong đó toà Tam Báo được bố cục hình chữ Đinh với ba gian hai trái , dài 20m , cao 6m; Tổ đường kết hợp với Như Lai đường có bố cục hình chữ Nhất được xây dựng hai tầng lầu với bảy gian hai trái, dài 30m , cao 9m với tổng diện tích sàn xây dựng là 800m2. Với tổng thế mạch lạc tề chỉnh, các công trình gọn nhỏ vừa phải, lối kiến trúc được kết hợp hài hoà truyền thống Phật giáo với công năng, vật liêu và phương pháp xây dựng đương đại tạo nên một tổng thể ẩn mặt – khai mở hải hoà, vừa truyền thống vừa hiện đại – bền vững vừa toát lên sự trang nghiêm, thanh tịnh của Phật môn. Thật xứng đáng để “Chiêm giả khởi kính”.

Chùa là nơi thờ Phật , thờ Tổ và cũng là nơi tu học của chư Tăng chốn Tổ Tùng lâm Hương Tích mỗi khi xuống núi làm Phật sự. Ngoài ra, nơi đây còn là Văn phòng Ban trị sự GHPGVN huyện Mỹ Đức và Trụ sở Ban trị sự Phật giáo huyện thị đầu tiên được thiết lập của thành phố Hà Nội và cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện Phật sự, Phật đản, Khánh đản, Trại hè Hương sen Đại Bi được tổ chức cho thanh thiếu niên học sinh, sinh viên… Kể từ khi được hưng công kiến tạo Diên Khánh Già lam cùng với Hưng Khánh Già lam (Phủ Lưu Tế) -Trường hạ cho chư Tăng – Ni an cư kết hạ hàng năm và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo thành một quần thể danh lam tự viện độc đáo tại thủ phủ huyện Mỹ Đức.

Thành – trụ – hoại – không như lý thường nhật nguyệt, nhưng nếu chẳng lưu bút e hậu thế sơ tâm quên mất ân sâu của cổ đức tiền nhân . Nhận sự chỉ giáo của Thầy Tổ, muốn viết đôi dòng về quá trình hưng công xây dựng Già lam, nhưng thiển nghĩ hàng hậu học trí mỏng tuệ nông không dám chấp bút. Song lời Thây hối thúc mấy bận, thời gian chẳng thể nấn ná thêm, bèn quỳ Tam bảo thắp nén tâm hương, nhiếp tâm về chốn Tổ nhớ lại công đức chư Tổ đã bao đời khơi ngọn tuệ đăng, sửa sang hưng công xây dựng bao ngôi Già lam Phạm vũ lấy chỗ cho hàng đệ tử khát ngưỡng Phật ân trở về tu tập. Sợ những bộn bề của phù trầm tĩnh động thời gian phai mờ hậu thế không tường nguồn gốc lịch sử, nên đành mượn nước Đáy giang làm mực, lấy trúc non Hương làm bút ghi lại đôi dòng lược sử của chùa, âu cũng là tri ân Thầy Tổ khai sơn tạo dựng chùa nhà. Những mong hậu thế liễu tỏ công đức kiến tạo Tăng Già lam mà khởi phát tín tâm, chuyển hóa niềm tin thành sự nghiệp Hiển Mật viên thông, phụng sự Phật – Pháp Tăng cho tròn Đạo nghiệp.

Thượng tọa Thích Minh Hiền

Phương trượng Trụ trì