A LAN NHÃ ĐÌNH VIÊN
                                                            Sóng nước trí tuệ

       Đến thăm Diên khánh Tăng già lam, Tt.Đại nghĩa, huyện Mỹ đức, Thủ đô Hà nội. Đây là ngôi  cổ tự thời Nguyễn, hiện nay là  trụ sở  Ban Trị Sự GHPGVN huyện Mỹ đức.
     Chùa được trùng tu tôn tạo và hoàn thành cơ bản vào đầu năm 2020. Trong đó có vườn chùa, tạo tác chủ yếu bằng đá sỏi tự nhiên kết hợp cây cảnh, suối nước thu nhỏ. Thượng tọa Phương trượng trụ trì cùng Tăng chúng tạo dựng và thường hành trì làm vườn bằng động tác cào cát sỏi tạo sóng nước theo bốn mùa Xuân hạ thu đông.
      Vườn được đặt tên khá lạ: A lan nhã đình viên.

       Ngẫm từ cổ chí kim, đề tài “sơn thủy – núi và nước” trong nghệ thuật họa đồ, tranh in mộc bản và trong thơ văn  đã có từ lâu và nhiều tác phẩm đã trở thành tuyệt tác, các tác giả chủ yếu ở Trung quốc, Nhật bản và Việt Nam v.v…
      Thể loại “Núi non bộ” ở Việt nam, vườn Zen Nhật Bản, vườn thượng uyển trong hoàng cung ở Trung quốc, Việt nam xưa… là những phong cách biến thể của nghệ thuật tạo hình Sơn thủy, núi và nước, vườn được tạo dựng khác biệt. Từ chuyên môn gọi là Sơn thuỷ  kỳ thạch – núi và nước, những sóng nước  tạo bằng “sỏi cát đá”. Trải  qua năm tháng lâu dần trở thành bộ môn nghệ thuật độc lập, gắn liền với các công trình kiến trúc của một làng xóm, hoặc địa danh cả một vùng rộng lớn. Cũng có giả thiết loại  hình nghệ thuật Sơn thủy kỳ thạch bắt nguồn từ nguyên gốc mô hình sa bàn, bình đồ xếp quẻ Chu dịch cổ Trung quốc của các Đạo gia (Đạo nho, Đạo Lão) sau được ứng dụng trong việc lập sa bàn khi xây dựng hoàng cung, hoặc lập sa bàn (nay gọi là bản đồ) phân chia địa giới các nước. Các nhà quân sự Trung quốc, Việt nam  cổ xưa cũng áp dụng trong việc lập sa bàn  địa hình núi non thành  quách, kết hợp với la bàn  để xác định phương hướng, để bàn luận chiến sự trong quân doanh. Một giả thiết khác nữa cũng cho rằng “Sơn thủy kỳ thạch”  lập ra để dùng trong bói toán, phong thủy, nghiên cứu sơ đồ các vì tinh tú trên trời (giải thiên hà) ứng với các ngọn núi, dòng chảy sông suối ở mặt đất… của các nhà chiêm tinh cổ xưa. Tại Việt nam ta các công trình cổ xưa đều có sự áp dụng, phổ biến nhất là tạo núi non bộ, thú chơi cây cảnh kết hợp với xếp đá tạo núi miêu tả cảnh sơn thủy hữu tình. Những làng quê Bắc bộ Việt nam vào vụ mùa gặt lúa, phơi lúa, cào thóc tạo những vạch đường nét ngẫu nhiên vẫn còn tồn tại đến ngày nay đó là minh chứng hoàn toàn có cơ sở.

      Các loại hình này gọi theo từ chuyên ngành mỹ thuật gọi là “Nghệ thuật sắp đặt”  hiện còn lưu lại, lâu đời và nguyên bản nhất hiện nay, có ghi chép trong cổ sử   là ở Nhật bản, gọi là Vườn Zen, vườn khô , tiếng Nhật đọc là Karesensui – sỏi khô Zen…. Việt nam gọi tên là Sơn thủy kỳ thạch – sơn thủy khô (Hình ảnh 1).

      A lan nhã đình viên của Diên khánh Tăng Già Lam kết hợp giữa kiến trúc Phật giáo và vườn cảnh, nội thất và ngoại thất. Nếu nhìn về mặt kiến trúc và mỹ thuật  thì đây là vườn Chùa đầu tiên tại Hà nội được tạo dựng, đầy đủ và đặc biệt của Mật giáo Việt Nam. Có nét đặc biệt theo truyền thống cổ xưa nhưng được tạo dựng xếp đặt đương đại.Trong cốt cách căn bản của vườn A la nhã là cách tạo sự đăng đối, cân bằng  giữa yên bình và chuyển động. Nói rõ hơn là quá trình tạo lập sự an tĩnh trong nội tâm thông qua“Tạo dựng vật thể trung gian”. Người tạo tác – thực hành Pháp sẽ biến những tảng đá, hòn sỏi, hạt cát là vật vô tri vô giác trở thành muôn cảnh vật có sắc diện, có hình thái như trong cõi đời thực. Ngôn ngữ để thể hiện là hình khối và đường nét, việc tạo hình có nguyên tắc, quy định thống nhất từ xưa đến nay. Mở đầu là 5 dạng nét vạch, tạo mặt nước yên bình thuộc thể Tĩnh – Tịnh (Hình ảnh 4a). Ngoài ra là các nét vẽ tả nước thể Động – Chuyển động (Hình ảnh 4A ). Hành giả tu tập Mật thừa đã quy nguyên lối chơi vườn Chùa sơn thủy kỳ thạch. Nguyên gốc là  đồ hình Mandala Kim cương giới và Mandala Thai tạng giới, từ đó phát triển theo nhiều đồ hình khác nhau. Chúng ta tạm hiểu sơ bộ là thanh tịnh sóng nước đường nét  đồ họa, vân  tịnh thủy, thuộc về Thai tạng giới. Chuyển động sóng nước đường nét đồ họa, ví dụ như đại ba-sóng lớn Oa – xoáy nước, khúc thủy, lưu thủy vv… thuộc về Kim cương giới (Hình ảnh 4B).

     Khi tu tập hành giả khéo chuyển từ tâm thức thành đường nét (cào sỏi đá). Kinh điển thường gọi là Hóa thân – sự chuyển hóa tâm, vườn A lan nhã này cũng vậy. Thai tạng giới Mạn đa la, Kim cương giới mạn đa la là bản thể  xoay chuyển biến hóa những hòn sỏi đá cuội thành sóng nước,  hình vẽ tạo ra bằng  cào đá thành sóng nước, khi chuyển  động khi bình lặng. Quá trình đó được hóa giải trong nội tâm của bậc cao Tăng. Một niệm động dấy khởi, nước hóa sóng dữ, hóa hoa văn tròn nhấn chìm muôn vật. Khác người thường, khác đời thường, mặc thời tiết nắng gắt, hoặc mưa lớn, bậc Cao tăng vẫn bình lặng cào sỏi, mặc nhiên tự tại…. điều khó nói sẽ không nói, điều khó hiểu sẽ không cố hiểu. Bình lặng và yên tĩnh chính là cái đích của vườn A lan nhã – sơn thủy kỳ thạch. Sự khổ nhọc, vất vả của Đại sư chẳng đáng bận tâm. Hãy chú ý sự động tĩnh bên trong của tâm thức, từ đó tạo  nhiều lợi ích , đạt nhiều hạnh ngộ trí tuệ của tu tập Kim cương thừa. Bản vẽ các hình thái của sóng nước sẽ giúp hành giả tiếp cận sự bí mật của A lan nhã. Trong bản vẽ (ảnh chụp minh họa 4a ) có năm hình vẽ sóng nước – chữ Hán gọi là Ngũ liên y, biểu hiện thể trạng tĩnh – tĩnh lặng. Còn vô số các hình vẽ biểu hiện sự vận động. Như vậy tĩnh và động cũng như âm và dương; ngày và đêm; Thai tạng giới và Kim cương giới; từ bi và trí tuệ, đó chính là chủ đề của tu tập của mỗi hành giả khi làm vườn. Cảnh giới A lan nhã hiện ra hư mà  thực; có đấy mà không đấy. Người đời nhận biết được khó lắm thay. Kẻ phàm phu tục tử làm sao mà hiểu thấu !

     Về tạo cảnh dòng sông, suối khi chọn màu sắc của đá , ta thường chọn màu trắng – màu kinh điển Mật giáo đại diện cho Đại nhật Như lai. Cũng có thể dùng các loại màu khác nhưng nguyên tắc là màu phải nguyên gốc tự nhiên  không pha trộn hỗn tạp hoặc phun sơn màu phủ lên đá, kích cỡ đá cần  đều nhau , độ to nhỏ tùy thuộc vào diện tích không gian vườn v.v …

      A lan nhã – đó là  sự khác thường trong đời sống, khác thường trong tư duy và khác thường trong hành động. Nhưng trong thâm sâu suy nghĩ của bậc cao Tăng là tạo ngoại cảnh để hành trì quán chiếu nội tâm của mỗi hành giả. Như chúng ta đều biết thực tướng của Đạo vốn dĩ vô ngôn; vô thuyết, bất khả tư nghì. Cũng như A lan nhã – sóng nước trí tuệ, sóng nước mà chẳng phải sóng nước, thực mà  ảo. Vô minh và trí tuệ vốn là điểm khởi đầu và điểm kết thúc của đồ hình sơn thủy kỳ thạch.  Thủy ba thạch – hay gọi A Lan nhã, theo các tên gọi cũng chỉ là một việc, một mục đích tu học Phật pháp mà thôi. Ngày Phật đản, Phật tử đến chùa có chút lương duyên trà đàm với Thượng tọa Phương trượng, bên hồ Bát nhã, hương sen A-lốc thơm dịu, một chút tỏ bày chắc chắn còn nhiều ẩn tàng bí mật Kim cương thừa trên phiến đá khắc chữ A LAN NHÃ ĐÌNH VIÊN.

      Vui thay, khi được Thượng tọa chỉ dẫn về A lan nhã đình viên; điều đó đã giúp cho bút giả thêm chút sáng tỏ. Rằng: Đây là chữ Hán viết theo thể Hành thư, nội dung nói về cảnh sắc Phật môn, thường chỉ về cảnh giới của chư Tăng trong khuôn viên ngoại thất chùa. Mặt trước thấy năm chữ Hán được khắc cẩn trọng trên tấm đá khổ lớn nên đã gây sự chú ý tò mò. Mặt sau là ngự bút của Tổ sư Thích Hoài Tố viết theo lối cuồng Thảo. Bút giả bèn tra cứu sách cổ thư, học mót cổ nhân lối chiết tự, để tìm ra hồn cốt của chữ “A lan nhã đình viên”. Thoáng đọc thì tả cảnh cây cỏ, vườn, gò núi. Nhưng cuối cùng cũng tìm thấy một chữ Lan ( bộ thủy 17 nét ) nói về sóng cả – vua sóng. Đồng thời tìm thấy chữ A ( bộ phụ 5 nét ) chỉ gò núi, suối quanh co uốn khúc. Cái đích của bút pháp mà Thượng toạ Phương trượng có ý diễn tả núi và nước, tả cảnh sơn thủy, đặc biệt hơn  khi diễn tả sóng nước và núi. Tư duy nhị nguyên – âm và dương, sóng nước và núi đá, động và tĩnh mà vẫn đồng nhất thể trong Phật đạo. Cái kỳ đặc của thư pháp gia được hiển lộ sâu sắc mà khiêm nhường. Lan Nhã – Sóng nước thanh tịnh, Bát nhã tâm kinh – Kinh Bát nhã … chữ Nhã tả ý thanh tịnh, trí tuệ thanh tịnh. A LAN NHÃ ĐÌNH VIÊN  hiển thị : Sóng nước trí tuệ thanh tịnh.Vãn cảnh chùa, nơi thủ đô Hà nội hoa lệ, quan chiêm sóng nước trí tuệ được cào trên sỏi đá… Cảm xúc kiến Đạo dần lan tỏa, có thể tự hiểu thêm nhiều điều, có thể  nhòa nước mắt, có thể mừng vui mà vẫn khóc. Khóc vì học Đạo khó lắm thay!

Long thành, mùa hạ 20.5 Nhâm Dần
 Bài viết, ảnh minh họa
 Hoạ sỹ Long Độ – Nguyễn đức Long