- Dẫn nhập
Giữa những rẻo núi ẩn mật với nước sông khe suối trong vắt như ngọc, khí trời dịu mát, khắp nơi là dị thảo kỳ hoa ngút ngàn đón nắng. Tại cõi trần gian tương đối này, Phật cảnh Chùa Hương là một Thánh tích có một không hai, với cảnh quan tú lệ, màu sắc rực rỡ ẩn tàng trong sự trầm mặc giác ngộ. Từ xa xưa, Chùa Hương – Tùng Lâm Hương Tích – Đạo tràng của Đức Quán Thế Âm Bồ tát đã nổi tiếng là một cảnh kỳ sơn tú thuỷ, trải qua biến thiên lịch sử tới nay vẫn luôn là chốn linh thiêng Thánh địa đối với hàng Phật tử xa gần. Nơi đây cụ túc những yếu tố để sống một đời sống tu hành, quay về phản tỉnh bản tâm, mở rộng ý thức từ đó thành tựu chứng đắc giác ngộ.
Thánh tích nơi đây đúng như lời của Cố Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm (1920-2000) – trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh đã viết trong Vịnh Hương Sơn: “Tùng lâm thụ mộc thời thời mậu” các đời chư Tổ trụ trì đều phát xuất cao Tăng. Nơi đây bao đời Sư Tổ đã sống cuộc đời Phạm hạnh, bồi dưỡng trí tuệ, tăng trưởng bồ đề tâm, nương theo lòng đại bi của đức Quán Âm Đại sỹ, ứng trí tuệ Văn Thù dùng lưỡi kiếm sắc bén chém màn vô minh để dẫn dắt môn đồ đệ tử trên con đường tìm về bến Giác.
Như mới hôm qua, Tổ Đệ Thập Nhất – Thượng tọa thượng Viên hạ Thành trả tấm thân tứ đại cho trần gian mộng ảo để về cõi vô tung bất diệt khiến hàng môn đồ pháp quyến và hết thảy Phật tử xa gần cảm thán không thôi. Hai mươi năm một thoáng mây bay, Ân sư tôi – Thượng toạ Thích Minh Hiền đương kim trụ trì Tùng Lâm Hương Tích, sau khi nhận bổ xứ truyền đăng, đảm nhận trọng trách trùng hưng Tổ ấn, đã kiên tâm bền trí khêu đèn tục diệm ngõ hầu hoàn thành mạng mạch được truyền trao. Mỗi khi nghĩ, nhớ về Thượng toạ, bút giả lại trào một niềm hân hoan, dùng một câu khái quát để nói về Thượng toạ qua chặng đường hai mươi năm từ khi đảm lãnh kế đăng trụ trì chốn Tổ:
“Nhị thập dư niên dụng Đại bi tâm,
Ứng trí Văn Thù, hành Phổ Hiền nguyện”
Để báo ân sâu của chư Tổ, hoàn thành tâm nguyện của Tôn sư – Tổ Đệ Thập Nhất: “Nội tu bảo động Hương Tích, ngoại khai Phật cảnh Thiên Trù”, Thượng toạ luôn một lòng khăn khắn với việc kiến toàn Phật cảnh Thánh địa của đức Quán Âm Đại Sỹ, hai mươi năm dụng tâm Đại bi mà cảm hoá tín chúng, ứng trí tuệ Văn Thù mà hành đại nguyện Phổ Hiền.
- Kiến toàn Phật cảnh
Công cuộc kiến thiết Hương Thiên Bảo Sái từ sau chiến tranh chống Pháp tới nay có thể chia làm ba giai đoạn chính:
– Giai đoạn thứ nhất: Sau khi thực dân Pháp ném bom tàn phá, cảnh chùa trở nên hoang vắng tiêu điều. Năm 1956, Tổ Đệ Cửu giao phó cho Hòa thượng Thích Thanh Chân trụ trì đời thứ X, trông nom cảnh chùa. Giai đoạn này đất nước còn vô vàn khó khăn, song Hòa thượng vẫn một lòng kiên tâm bền trí đèn hương phụng sự Tam bảo, vạch ý tưởng trùng hưng Tổ đạo trong tương lai, tìm phương thức phục hồi, tôn tạo quần thể khu thắng tích đã bị tàn phá.
“Tổ đạo bất tuỳ thương hải biến – Sơn môn vĩnh trấn nhất Nam thiên”
– Giai đoạn thứ hai: Với giới đức trang nghiêm và hạnh nguyện từ bi vô ngại, Thượng tọa Thích Viên Thành được Sư Tổ Thích Thanh Chân tin tưởng trao truyền ngôi vị kế đăng trụ trì đời thứ XI Tùng lâm Hương Tích vào năm 1989, khêu đèn tục diệm, dốc lòng hưng công chốn Tổ, thành lập Ban Xây dựng-phục chế tôn tạo Chùa Hương, cùng Phật tử gần xa hằng tâm hằng sản, hưng công động thổ trùng hưng chính điện Chùa Thiên Trù trên nền chùa cũ. Chỉ hơn mười năm tới đầu những năm 2000, Tổ Đệ Thập Nhất đã đặt nền móng cơ bản cho quy hoạch tổng thể chùa Ngoài, tức chùa Thiên Trù, khi đó gồm các công trình kiến trúc: Tam Bảo, Tổ đường, Điện Hương Thuỷ, Nhà bia, Nhà Trù vv…với bố cục đăng đối qua trục tuyến chính trải dài trên 4 cốt cao độ tính từ Nam Thiên môn. Quần thể Thánh tích Chùa Hương đã dần trở lại trang nghiêm u tịch.
“Thiên địa do y thiên địa cựu – Thảo hoa kim dị thảo hoa tiền”
– Giai đoạn thứ ba: Kế tục Đạo nghiệp của Tôn sư – Tổ Đệ Thập Nhất giao phó, Thượng tọa Thích Minh Hiền kế đăng trụ trì quần thể danh lam thắng tích Chùa Hương, đã cùng pháp tử huynh đệ trong Sơn môn từng bước trùng tu, tôn tạo các hạng mục trong quần thể thắng tích Chùa Hương nhằm kế thừa mạng mạch Tông môn, kiến toàn Phật cảnh của đức Quán Âm đại sỹ, vừa để báo đáp, tô bồi và tiếp nối công việc của Tôn sư những mong Thánh tích ngày càng trang nghiêm tú lệ.
- Công hạnh của bậc Đại sỹ
Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền là sự hợp nhất giữa trí tuệ và hành động, đại diện cho triết lý “tri hành hợp nhất”. Muốn hành động phải có trí tuệ, muốn có hành động to lớn phải có trí tuệ to lớn và muốn có đại nguyện Bồ tát Phổ Hiền, phải cần có trí tuệ của Bồ tát Văn Thù. Nhận bổ xứ đương khi đất trời vật đổi sao dời, nhân tâm bất định, giữa những bộn bề của phù trầm tĩnh động, Thượng toạ vẫn kiên tâm bền trí theo di huấn của Tôn sư, Khởi đại tâm – Hành đại nguyện trải qua hai thập kỷ không ngừng trùng tu tôn tạo, kiến toàn Thánh tích. Công trình đầu tiên được kiến thiết nhằm báo ân Tôn sư sau tuần tứ cửu, bảo tháp Chân-Tịnh được khởi công xây dựng vào tháng 10 năm 2002, toạ lập tại vị trí bên hữu Tam bảo, đăng đối với khu Vườn tháp Thịnh Kỳ bên mạn trái. Đương thời, đây là bảo tháp duy nhất trong hệ thống tháp ở vùng này được xây dựng, hoàn thiện toàn bộ bằng đá xanh.
Sớm nhận thấy địa thế núi ôm sông bọc, tựa non tiếp thuỷ vô cùng độc đáo của chốn Linh sơn Thánh địa, với tầm nhìn của một nhà quy hoạch, khi nhận truyền trao bổ xứ, Thượng toạ đã nhận thấy để trùng hưng chốn Tổ, không chỉ đứng trên góc độ từng công trình đơn lẻ, mà phải xét trên khía cạnh tổng thể. Thượng toạ đã lên một kế hoạch xây dựng, trùng tu, cải tạo xuyên suốt từ tuyến thuỷ lộ từ Bến Yến đến Bến Trò, tuyến đường bộ từ Bến Trò lên Chùa Thiên Trù và tuyến san lộ vốn cheo leo hẹp nhỏ trước cửa động Hương Tích. Nhằm giúp hàng Phật tử khát ngưỡng Phật ân, thêm thuận duyên trở về tìm cầu quả phúc nơi Thánh địa.
Với tầm nhìn xuất thế, trước tiên Thượng Toạ kiến thiết tôn tạo Quán Âm kiều lộ (năm Giáp Thân-2004) trước cửa động Hương Tích nhằm giảm tình trạng chật hẹp, ùn tắc trước cổng động, gián tiếp đảm bảo an toàn cho du khách. Tiếp đến là mở rộng đường Triều Sơn lộ (năm Bính Tuất-2006) từ bến Trò lên cổng Nam Thiên Môn, giảm tải nút thắt qua cửa soát vé bến Trò, giảm thời gian chờ đợi của du khách. Sau đó Ban Xây dựng Chùa Hương phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức nạo vét khơi thông, be bờ hai bên suối Yến, quyết bảo tồn và mở rộng Suối Yến, giúp thắng tích Chùa Hương lưu giữ được nét độc đáo là tuyến thuỷ lộ chính từ Bến Yến vào Chùa Ngoài.
Sau khi cải tạo nâng cấp các tuyến giao thông, Thượng toạ bắt đầu kiến toàn các công trình kiến trúc trong quần thể chùa Thiên Trù. Với quan điểm không phát triển theo kích thước to rộng mà đi theo hướng kiến trúc truyền thống Phật giáo vốn luôn hoà hợp với thiên nhiên theo lẽ thiên địa, Thượng toạ giữ lại bình đồ quy hoạch từ thời Tổ Đệ thập nhất với Chùa Ngoài được quy hoạch tổng thể tề chỉnh, điển hình cho kiến trúc chùa bản địa miền Bắc gồm: Cổng Tam quan, Tam Bảo,Tổ đường, Điện Hương thuỷ, Vườn tháp và khu Tăng xá, Trù phòng. Và được bổ sung xây dựng thêm một số công năng theo yêu cầu phát triển của xã hội như: hai dãy tả – hữu vu và lầu Tứ thiên vương (năm Mậu Tý-2008) trên nền đất cũ; Kiến tạo Hương Nghiêm Pháp đường (từ Tân Mão-2011 đến Ất Mùi-2014), làm nơi thuyết pháp giảng dạy cho Phật tử thiện tín thập phương phù hợp với nhu cầu tu học của hàng Phật tử trong thời hiện đại. Sau hoàn thiện các hạng mục cơ bản vào năm 2016, Thượng tọa tiếp tục trùng tu toà Chung lâu và toàn bộ lan can đá quanh nội tự.
Thiên nhiên rộng mở giúp ý thức lan toả, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu của Thánh tích Hương-Thiên Bảo Sái không chỉ mở rộng tầm mắt của chúng sinh vốn bị mây mờ che phủ mà linh khí nơi đây còn đánh thức tự tính – hạt giống giác ngộ nằm sâu trong mỗi sinh linh. Nếu có dịp nhìn không ảnh toàn cảnh chùa Thiên Trù, chắc hẳn ai ai cũng trầm trồ choáng ngợp, vì đây không chỉ là một bức ảnh phong cảnh, mà còn như một bản vẽ 3D thể hiện rõ một tổng thể quy hoạch bài bản, các công trình kiến trúc sắc nét tới từng chi tiết. Những lớp mái ngói quy hoạch tề chỉnh, ẩn hiện trong sương sớm của núi rừng trùng điệp, hệ thống đấu củng của hai lầu Tứ thiên vương như những đốm hoa gạo bừng nở giữa xuân, vừa thanh tao vừa tú lệ. Những công trình kiến trúc này không đồ sộ hoành tráng, không đột khởi thách thức mà được kiến taọ dưới dạng thức hài hoà chốn sơn lâm“Chùa trong cảnh, cảnh trong chùa”, thể hiện rõ tư tưởng Kinh Hoa Nghiêm: “Một là tất cả, tất cả là một”.
Một đặc điểm phải kể tới là các chi tiết kiến trúc, kỹ thuật – mỹ thuật luôn được Thượng toạ dày công nghiên cứu chọn lọc, như hệ thống tượng pháp, văn bia thể tự, cửa võng hoành phi câu đối đến nghệ thuật lâm viên, từng hòn đá, nhánh cây đều được đặt đúng nơi ; ngồi đúng chỗ, thêm vào thì thừa mà bớt đi thì thiếu. Mỗi một khía cạnh ấy, nếu viết rõ, nói rõ thì hoàn toàn có thể là một đề tài nghiên cứu chuyên sâu đầy sức nặng nội lực.
“Phật cảnh thanh u, chư Tăng hoà hợp, tín chúng phụng trì” Chùa Hương sẽ vẫn là niềm cảm hứng bất tận cho giới văn nghệ sỹ, chí sỹ và là nơi quy ngưỡng của Phật tử xa gần. Qua hai thập kỷ Thượng toạ đã tận tâm kiệt lực kiến toàn Phật cảnh, tới nay Thánh tích Chùa Hương đã hội tụ đủ các yếu tố của một cảnh chùa truyền thống: “ Lộ kính phong quang khai tịch-cư xứ hảo, Lang vũ tề chỉnh hòan bị-kiến lập hảo, Điện đường hương đăng bất tuyệt-báo ân hảo, Thần hôn chung cổ phân minh-pháp lệnh hảo, Nhị thời chúc phạn tinh khiết-ân chúng hảo, Tăng hàng kiến nhân hữu lễ-quy củ hảo ”.
Chỉ trong vòng 20 năm, hệ thống các tuyến giao thông san lộ, thuỷ lộ, tự viện, thạch động trong quần thể Chùa Hương được trùng tu tôn tạo xây dựng, nét mới đan xen hoà quyện với nếp cũ trong một quy hoạch tổng thể vừa ẩn mật vừa khai mở hài hoà, vừa truyền thống vừa hiện đại, tạo nên sự trang nghiêm thanh tịnh của Phật môn, thật xứng đáng để Chiêm giả khởi kính!
Công cuộc kiến thiết Phật cảnh trong hai thập kỷ qua của Thượng toạ càng khẳng định thêm lời của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đã nhận định trong cuốn Kiến trúc Phật giáo Việt Nam (quyển 2-Paris-2001): “Cuộc xây cất chùa Thiên Trù như ngày nay hoàn toàn đổi mới ngoại trừ Tam quan và vườn tháp cổ. Nhưng cuộc xây cất có thể gọi là thành công, đẹp hơn, quy củ rộng rãi hài hoà hơn xưa rất nhiều”.
- Chùa Hương – Thầy điểm lại trò tô
“Chùa do dân tạo, Đạo do sư truyền” công cuộc hưng công kiến toàn Thánh tích cũng được Thượng toạ thiện xảo dùng làm phương pháp điểm đạo cho hàng Phật tử. Với lòng đại bi của đức Quán Âm, Thượng toạ theo nhân duyên khế hợp, căn cơ của từng Phật tử mà chỉ điểm, hướng dẫn chúng sinh dùng đại trí Văn Thù mà hành đại nguyện Phổ Hiền. Hàng hậu học chỉ dốc sức bền tâm kiên tâm bền trí “dốc một lòng, tòng một đạo” theo sự chỉ điểm của Ân sư mà khai triển các công việc, nhiều khi là khó khăn gian khổ, nhưng đầy ắp những huyền cơ diệu lý. Đôi khi chỉ thông qua những công việc Phật sự tưởng như giản đơn trông nom xây dựng, thiết kế công trình, đến khi thấy vững vàng rồi thì lại giao các trọng trách lớn hơn nhằm huân tập tâm Bồ đề kiên cố.
Hàng Phật tử chúng ta, nếu có được nhân duyên đức Quán Âm hoá độ thì dễ thường bản thân cũng chẳng hay biết, bậc Bồ Tát ở hay đi không cần lưu dấu. Ngài có trăm hình vạn tướng xuất hiện thì cũng có muôn cách để hoá độ, kể cả nhắc nhở bằng tư tưởng, chỉ điểm bằng sáng kiến, bằng trực giác. Ân chiêm công đức của Thượng toạ, hàng Phật tử danh sỹ, nghệ sỹ, chí sỹ đều hướng tâm về chốn Tổ, hằng công hằng sản nhằm góp chút tâm lực vào việc kiến toàn các hạng mục công trình trong Thánh tích. Nhiều Phật tử đã nương theo Thượng toạ từ thủa thiếu thời, nay tóc sương cũng đã điểm bạc. Qua các công việc trùng hưng chốn Tổ, cũng đã trưởng thành đảm lãnh nhiều trọng trách lớn lao và đều trở thành những bậc thiện thủ. Công cuộc tôn tạo Chùa trong 20 năm qua thực đúng với câu: “Chùa Hương Thầy điểm lại trò tô”.
Lấy tướng để hiển tính là phương cách mà Thượng toạ giúp hàng Phật tử thông qua công việc Phật sự ngõ hầu nhận thức và ý niệm về cái miên viễn trường cửu đang hiện hình toả sáng.
Thanh nhã thay và cũng sâu sắc thay!
Hà Thành,mạnh xuân năm Nhâm Dần
Đệ tử Quảng Ân cẩn bút